NHẠC LÝ ĐƠN GIẢN HƠN BẠN NGHĨ NHIỀU!

Chào mừng các bạn đến với Học Nhạc FAITH MUSIC
Bạn muốn học nhạc?
Bạn muốn chơi một loại nhạc cụ, học đàn guitar, chơi piano, trống, sáo…?
Bạn muốn hát hay, hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy thích thú với âm nhạc?
Hành trình đến với âm nhạc của mỗi người là rất khác nhau. Tuy nhiên, nếu đã là người chơi nhạc, bạn chắc chắn phải hiểu quy luật của nó, về lý thuyết về âm nhạc, hay nói đơn giản thì đó là nhạc lý.

Tại sao tôi nên tìm hiểu nhạc lý?
Nếu bạn không có kiến thức nhạc lý, bạn sẽ sớm nhận ra mình gặp phải rất nhiều giới hạn mà bạn sẽ không biết phải vượt qua như thế nào. Với bạn, âm nhạc dường như vẫn bị phủ một tấm màn mà bạn không thể nhìn qua. Bạn sẽ mãi là một người bắt chước chứ không thể là người chủ động tìm hiểu và khám phá âm nhạc.
Nếu bạn muốn mình có thể tự mình chơi nhạc mà không cần phải bắt chước ai. Bạn có thể nhìn vào một bản nhạc và trình diễn nó với sự tự tin tuyệt đối, đồng thời nâng cao khả năng của mình, tự sáng tạo những phong cách của riêng bạn. Bạn có thể hoàn toàn nắm bắt một bản nhạc trong thời gian nhanh hơn trước kia gấp hàng chục lần. Và quan trọng hơn hết, đó là khả năng tận hưởng âm nhạc. Tôi tin rằng, khi hiểu được âm nhạc, bạn sẽ có thể nghe nhạc với một sự thấu hiểu và cảm nhận hoàn toàn khác. Và bạn sẽ sớm nhận ra rằng công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.
Nhạc lý căn bản dễ hiểu hết mức có thể
Nếu bạn đã từng cảm thấy phát mệt vì những lần cố gắng tìm hiểu nhạc lý, trong sách mua ở nhà sách, hoặc tìm đọc các bài viết trên các diễn đàn, video hướng dẫn… cảm giác rằng mình chả hiểu gì cả, và tự hỏi mình có vấn đề gì không? Thì tôi cam đoan rằng bạn hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Sự thật là chính tôi và nhiều người bạn của tôi cũng cảm thấy, đọc sách mà không có người hướng dẫn thì rất khó khăn.
Tuy nhiên, sự thật thì nhạc lý không quá khó như vậy. Vấn đề duy nhất là phương pháp chúng ta tìm hiểu nó mà thôi. Tôi cũng chỉ là người tự mày mò tìm hiểu và, sau khi tham khảo nhiều tài liệu khác nhau, tôi nhận ra rằng chính cách diễn tả nội dung sẽ tạo nên sự khác biệt.
Mục tiêu của trang web này, cũng là tham vọng của tôi, đó là trình bày nhạc lý theo cách
KHÔNG THỂ NÀO DỄ HIỂU HƠN
Tôi sẽ cố gắng trình bày những khía cạnh căn bản của nhạc lý, dựa trên những tài liệu khác nhau và giải thích chúng sao cho bạn có thể dễ dàng nắm bắt và có ngay sự hứng thú dành cho âm nhạc. Sao cho dù bạn là ai, lứa tuổi nào, trình độ gì, bạn cũng có thể hiểu được một cách dễ dàng. Đó là phương châm của trang web này.
Tuy nhiên, tôi tin rằng tôi không thể tự mình hoàn thiện mọi thứ, tôi cần sự giúp sức và đóng góp của các bạn. Do đó, bạn đừng ngần ngại đặt câu hỏi, và bằng việc trả lời bạn, chúng ta có thể làm hoàn thiện hơn những bài viết của mình.
Hy vọng bạn tìm thấy niềm vui cũng như lợi ích khi sử dụng cùng học nhạc.

Chữ viết của âm nhạc
Tôi đã cố tình thay đổi từ gốc của tiếng Anh (Standard Music Notation) thành “chữ viết của âm nhạc”, nghe thế này thì chắc là sẽ dễ hiểu hơn cho các bạn phải không. Để viết được âm nhạc xuống một tờ giấy, người ta đã tạo ra những quy tắc, và “Ký hiệu âm nhạc theo tiêu chuẩn” thực chất chỉ là một dạng “chữ viết” của âm nhạc mà thôi.

Ký hiệu là chữ viết của âm nhạc
Những thành phần của chữ viết âm nhạc
Để diễn tả được âm thanh, người ta cần phải thể hiện được 2 thành phần chính của nó, đó là loại âm thanh và thời gian của âm thanh.
1. Âm thanh bao gồm
- Cao độ của âm thanh (ví dụ: âm thanh đó nghe trầm như tiếng còi tàu thuỷ, hay cao chót vót như tiếng xe cứu thương.)
- Cường độ của âm thanh (Dynamic). Quyết định xem âm thanh đó mạnh hay nhẹ như thế nào.
- Âm sắc (Timbre). Cái này thì hơi trừu tượng một tí, bạn cứ hình dung nó giống như màu sắc của âm thanh vậy. Khi bạn nghe âm thanh tạo ra bởi một cây đàn piano và một cây kèn đồng chẳng hạn, cho dù chúng là cùng một cao độ (cùng nốt), một cường độ, nhưng chắc chắn âm sắc của chúng sẽ khác nhau. Preview Changes
2. Thời gian bao gồm
- Điểm khởi đầu của âm thanh (Attack) . Nghĩa là chính xác vào lúc nào thì âm thanh đó sẽ vang lên.
- Trường độ, độ dài của âm thanh (Duration) . Nghĩa là khi âm thanh đã vang lên thì nó sẽ kéo dài trong bao lâu.
Tổng kết: Thật ra, khi đọc nhạc, bạn chỉ quan tâm kết hợp 5 cái trên là có thể đọc được bản nhạc. Khi nào bạn chơi 1 nốt nhạc , bạn sẽ biết khi nào thì ta sẽ tạo ra âm thanh đó, nốt nhạc đó có cao độ bao nhiêu, hát mạnh hay nhẹ thế nào, có âm sắc gì, và kéo dài bao lâu.

Định hướng học đàn, học nhạc (cho người mới bắt đầu)
Chẳng ai sinh ra là đã tự nhiên biết chơi nhạc. Những nhạc công, ca sĩ, hoặc chỉ đơn giản là một anh chàng du ca đường phố với kỹ năng điêu luyện đều không phải là những người “sinh ra đã biết chơi đàn”.
Họ cũng như bạn, đều phải có những bước chập chững đầu tiên khám phá và tìm hiểu âm nhạc. Tuy nhiên, điều gì làm nên sự khác biệt rõ rệt như vậy? Có lẽ bạn nên có một vài định hướng trước khi chọn cho mình cách học phù hợp nhất.

Chọn đường nào đây?
3 định hướng học đàn, học nhạc
Lý do bạn đến với âm nhạc là gì? Có thể là ngưỡng mộ một người nào đó có thể chơi nhạc, hát thật hay và cũng muốn được như anh/cô ấy, âm nhạc là sở thích của bạn hoặc bạn trang bị cho mình một chút kỹ năng để có thể gây ấn tượng với người nào đó. Cao hơn thế, bạn muốn lập band nhạc để chơi cùng nhau, hoặc chơi chuyên nghiệp và biến âm nhạc thành sự nghiệp của mình chẳng hạn. Tuy nhiên, dù lý do của bạn là gì, bạn phải xác định cho được mình muốn trở thành người chơi nhạc như thế nào, điều này rất quan trọng.
Bạn có thể hình dung rằng, có 3 nhóm đối tượng học đàn, học nhạc mà chúng ta có thể phân loại như sau:
Loại thứ I: Là nhóm học đàn vì “sở thích”, thuần tuý giải trí và biết cho vui mà thôi. Nếu bạn theo nhóm số 1, bạn hoàn toàn không cần quan tâm đến nhạc lý, nốt nhạc, nhịp điệu gì cả. Bạn chỉ cần bắt chước theo người khác, làm theo hướng dẫn các bài hát bạn thích trên mạng … là cũng có thể chơi nhạc được. Đây là cách học đơn giản nhất và cũng… khó phát triển nhất. Tuy nhiên nếu mục tiêu của bạn chỉ là để biết, và để vui, thì đây là sự lựa chọn phù hợp.
Loại thứ II: Là những người chơi nhạc “bán chuyên nghiệp”. Cũng là chơi vì sở thích, nhưng bạn sẽ đẩy nó lên một mức độ cao hơn, bạn có thể chơi trong một band nhạc nhỏ địa phương, chơi hoặc hát trong câu lạc bộ của trường, du ca đường phố .v.v. Để định hướng nhóm này, bạn cần có hiểu biết về nhạc lý, có nhiều thời gian hơn để luyện tập. Bạn có thể tự do chơi nhạc mà không cần phải bắt chước hay copy ai cả. Bạn đủ khả năng để sử dụng âm nhạc theo ý mình. Thậm chí bạn có thể sáng tác và biểu diễn ca khúc của mình, nhưng thường thì những sản phẩm của bạn có chất lượng không cao lắm và chỉ phổ biến ở địa phương hoặc môi trường của bạn mà thôi.
Loại thứ III: Là chuyên nghiệp thực sự. Lúc này, âm nhạc sẽ là sự nghiệp của bạn. Mục tiêu của bạn sẽ là một trong 4 dạng sản xuất, sáng tác, biểu diễn, hoặc đào tạo âm nhạc. Nếu là loại thứ 3, chắc hẳn bạn sẽ phải tìm đến những nơi đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc viện, học viện âm nhạc… để có thể trang bị những kiến thức cần thiết. Rất khó để có thể tự mày mò mà đạt được thành quả nếu bạn định hướng thuộc loại này.
Tại sao phải xác định mục tiêu
Với từng loại thì mục tiêu cũng rất khác nhau, do đó thời gian, công sức và cả số tiền đầu tư cho nó cũng khác nhau. Nếu bạn chỉ chơi cho vui, nhưng đầu tư một dàn âm thanh hiện đại, một cây đàn hàng chục triệu nhưng không xài hết tính năng của nó, thì rất lãng phí. Ngược lại, bạn chơi chuyên nghiệp, nhưng nhạc cụ của bạn không thể lên dây đúng tông, bạn học ở một trung tâm kém chất lượng, thì chắc chắn bạn không thể đạt mục đích.
Quan trọng hơn, việc xác định mục tiêu trước cho phép bạn có một sự quyết tâm “tôi sẽ học cho đến khi tôi có thể làm được ABCD gì đó” và bạn sẽ không nản chỉ bỏ cuộc giữa chừng. (Tôi đã từng thấy rất nhiều người bỏ cuộc sau một thời gian ngắn vì không biết mình muốn trở thành cái gì).
Bên cạnh đó, nếu có mục tiêu, bạn sẽ thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trong những nhóm thấp, không biết phải phá rào như thế nào để vượt lên nhóm cao hơn.
Nói tóm lại, mục tiêu của bạn sẽ quyết định bạn trở thành người học nhạc như thế nào.
Chúc bạn vui và tìm được đúng niềm đam mê của mình.
Ngày cập nhật 2014/08/03 Tác giả: Music Faith