HÒA ÂM 3- CHÙM HỢP ÂM
Hoà âm 3 – Chùm hợp âm
Qua những bài trước, hy vọng rằng bạn đã có thể nắm một cách cơ bản khái niệm về hoà âm và hợp âm. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu với nhau một khái niệm nữa cũng hết sức quan trọng trong hoà âm, đó là Chùm hợp âm (chords progression).
- Chùm hợp âm là gì?
Trong một bản nhạc, để diễn tả dòng chảy của giai điệu, hay nói đơn giản là tất cả các nốt nhạc từ nốt này sang nốt khác, người nhạc sĩ sẽ phải sử dụng nhiều hợp âm và kết hợp chúng với nhau. Tất nhiên, một bài hát thì khó có thể chỉ có một hợp âm, nó cũng giống như bạn nấu ăn mà chỉ bỏ có muối vậy. Bạn cần kết hợp nhiều loại gia vị khác nhau, nhiều loại nguyên liệu khác nhau để tạo nên một món ăn thơm ngon và có hương vị đậm đà.
Hợp âm cũng thế, và cũng như gia vị, bạn không thể thêm một cách tuỳ tiện, mà vẫn có những nhóm quy tắc mà bạn “nên” tuân theo. Ví dụ, Đô trưởng sẽ đi cùng La thứ, Fa trưởng và Sol 7. Những cụm hợp âm đi cùng nhau này sẽ tạo thành một khối hoà âm, và trong hầu hết các bản nhạc chúng ta sẽ chỉ cần chơi những hợp âm trong một khối đó là có thể diễn tả được bài hát hoặc tác phẩm.
Nếu hợp âm là một tập hợp vài nốt với nhau (Đô trưởng gồm Đô Mi Sol), Thì chùm hợp âm lại là tập hợp của một vài hợp âm với nhau (chùm Đô trưởng gồm Đô trưởng, Fa trưởng, Sol 7, La thứ…).
Vòng tròn quãng 5, căn bản căn bản của mọi chùm hợp âm.
Bạn sẽ sớm làm quen với nó thôi
Số lượng của mỗi chùm hợp âm cũng đa dạng, có thể là 3, 4, 5, 6… hợp âm cho mỗi chùm, nhưng nguyên tắc xây dựng chúng thì chỉ có 1. Và bạn sẽ nhanh chóng được tiếp cận những chùm hợp âm bởi vì hầu hết các tác phẩm âm nhạc đều dựa trên những chùm hợp âm như thế. Và rất may mắn cho chúng ta, chùm hợp âm không phải là sự kết hợp một cách ngẫu nhiên, mà chúng có nguyên tắc rất rõ ràng. Nghĩa là đã thấy A thì chắc chắn sẽ có B,C,D… Như vậy mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều đúng không nào.
Tuy nhiên, ở trên ta dùng từ ”nên” chứ không phải là từ “phải”. Bởi vì, âm nhạc thì rất đa dạng và uyển chuyển, nếu biết cách, người nhạc sĩ hoàn toàn có thể không tuân theo nguyên tắc để đạt được điều mà họ muốn diễn tả. Nghĩa là sử dụng hợp âm bên ngoài chùm và biến tấu tuỳ theo cảm xúc, những trường hợp như vậy cùng không quá hiếm, tuy nhiên, về cơ bản thì nếu bạn bám sát những nguyên tắc, bạn hoàn toàn có thể chơi được tác phẩm đó mà không gặp vấn đề gì. Chỉ là mức độ phong phú, những trạng thái cảm xúc sẽ không đạt tới mức mà tác giả muốn mà thôi.
- Làm gì với chùm hợp âm?
Bạn hãy học cách nhớ mặt từng hợp âm theo bộ, nghĩa là xem chúng như bạn đồng hành của nhau, nhìn thấy A thì sẽ nghĩ ngay đến B,C,D… Sẽ rất dễ dàng cho bạn sau này khi tự mình tìm hiểu và khám phá một bản nhạc bất kỳ, vì như đã nói, tất cả đều có nguyên tắc.
Tổng kết: chùm hợp âm là một vài hợp âm mà khi được sử dụng trong bản nhạc, chúng sẽ xuất hiện cùng nhau. Hãy học nguyên tắc của chúng.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu Hoà âm 4 – Thang âm