NHỊP ĐIỆU
NHỊP ĐIỆU
Nhịp Điệu 1(Rhythm) – Nhịp (Beat)
Là một trong 3 cột trụ chính làm nên âm nhạc, nhịp điệu chính là bất cứ những gì trong một bản nhạc liên quan đến cách bạn đếm thời gian trong bài hát. Nhịp điệu sẽ đóng vai trò tạo nên khung sườn cho bản nhạc đó, những phần còn lại sẽ được thêm vào và tạo nên bản nhạc hoàn chỉnh.
Vậy nhịp điệu sẽ gồm những yếu tố nào?
Nhịp điệu sẽ là khung sườn cho toàn bộ một tác phẩm
1. Nhịp (Beat)
Để dễ hình dung, nhịp của một bản nhạc cũng giống như nhịp tim của cơ thể chúng ta vậy. Nhịp nhanh hay chậm sẽ tao nên những sắc thái khác nhau cho bài hát, vội vã, phấn khích, vui sướng, hân hoan, hay buồn bã, u ám… đều phụ thuộc rất nhiều vào cách mà tác giả lựa chọn nhịp.
Vậy, mỗi bài hát sẽ có nhịp thay đổi tuỳ vào từng đoạn?
Câu trả lời là có và không. Không bởi vì trong hầu hết các bản nhạc hoặc bài hát thông thường, nhịp sẽ là yếu tố được duy trì đều đặn xuyên suốt từ đầu đến cuối. Sẽ rất ít khi bạn bắt gặp những bài hát có nhịp thay đổi.Tuy nhiên vẫn có, là bởi vì không có định luật nào trong âm nhạc quy định rằng mỗi bài hát chỉ có một nhịp nhất định, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào dụng ý của tác giả soạn nhạc. Bạn có thể tìm gặp điều này ở một số tác phẩm như “Đồi tím hoa sim” của nhạc sĩ Phạm Duy, hoặc những bản nhạc giao hưởng, yêu cầu sự thay đổi sắc thái cảm xúc qua từng chương nhạc. Nhịp điệu là những gì liên quan đến cách tính thời gian của bản nhạc. Nhịp có thể ổn định, nhanh hay chậm là tuỳ dụng ý của người soạn nhạc, chơi nhạc.
Vậy làm sao để biết nhịp nhanh hay chậm? Đếm nhịp như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài Nhịp điệu 2 – Số nhịp.
2. Nhịp điệu 2 – Số nhịp (meter)
Như đã đề cập ở bài trước, cách sử dụng nhịp sẽ tạo nên những sắc thái khác nhau của một bản nhạc. Nhịp quan trọng như khung xương sống, mạch tim đập của một cơ thể sống vậy.
- Nhịp và phách
Để không bị nhầm lẫn giữa nhịp và phách, cũng là quy ước trong trang web về sau, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa nhịp và các phách nằm bên trong.
a)Nhịp: ví dụ như nhịp 2/4, nhịp 3/4, 6/8 … là tên gọi của nhịp điệu chủ yếu của bản nhạc.
b)Phách: Là các điểm nhấn nằm bên trong của nhịp, ví dụ. Nhịp 2/4 có 2 phách. Nhịp 3/4 có 3 phách ….
Trong một bản nhạc, có những phách sẽ manh hơn những phách khác.
Và do đó, để biết được phách nào là mạnh hay nhẹ , người ta xây dựng những nguyên tắc để đếm phách trong nhịp.
Những cách đếm nhịp cơ bản nhất
3. Đếm phách
Ví dụ: Nhịp 4, có nghĩa rằng chúng ta sẽ đếm nhịp theo thứ tự 1,2,3,4 và lập lại 1,2,3,4,1,2,3,4,1,2,3,4 liên tục.
Nhịp 3, có nghĩa rằng chúng ta sẽ đếm nhịp theo thứ tự 1,2,3 và lập lại 1,2,3,1,2,3,1,2,3.
Vậy, ta làm thế nào để biết phách nào sẽ là phách mạnh hay phách nhẹ?Hãy nhớ phách mạnh luôn rơi vào vị trí số 1 của từng vòng nhịp.
- Nhịp là mạch đập của tác phẩm âm nhạc, từng nhịp gọi là phách, phách mạnh thì rơi vào vị trí số 1 của vòng nhịp.
4. Nhịp điệu 3 – Tốc độ nhịp (tempo)
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vấn đề tiếp theo của nhịp điệu, đó là độ nhanh chậm của nhịp điệu.
Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng của người học nhạc và chơi nhạc, vì các bạn phải nắm thật vững tốc độ nhịp để có thể chơi bản nhạc một cách chính xác. Hoặc nếu bạn chơi nhạc cùng một người khác, thì cảm nhận về nhịp điệu phải hoàn toàn giống nhau, nếu không bạn sẽ không thể nào hoà hợp âm thanh của mọi người được.
Ở những trường đào tạo âm nhạc, vấn đề nhịp và tốc độ nhịp luôn được đòi hỏi ở mức tuyệt đối chính xác nơi học viên. Vì thế, nếu bạn muốn rèn luyện kỹ năng của mình, hãy chú ý đến vấn đề này.
Tốc độ của nhịp thì ta dùng đơn vị:
5. Tốc độ nhịp – Tempo
Người ta sẽ dùng chính đơn vị thời gian là giây để tính tốc độ nhịp.
Ví dụ:
Tempo 60 tương đương với 1 giây là 1 nhịp
Tempo 120 tương đương với 1 giây 2 nhịp
Tempo 180 tương đương với 1 giây 3 nhịp
Tempo càng cao thì bản nhạc sẽ được chơi với tốc độ càng nhanh.
Metronome, dụng cụ bản để đếm nhịp cho bạn.
Bạn có thể dễ dàng tìm được những phần mềm metronome online trên mạng
Nhịp điệu (Rhythm) là tổng quan những gì liên quan đến thời gian của một bản nhạc. Nhịp là mạch đập, là khung sườn của bài hát, tốc độ nhịp rất quan trọng và được tính bằng đơn vị tempo.
Như vậy, ta đã nắm được sơ lược về cột trụ thứ nhất của âm nhạc, đó là nhịp điệu, hãy bước sang phần tiếp theo Hoà âm (Harmony) là gì?